Theo dõi Best Express GiaoHangTotNhat trên Google News

Thực trạng khối ngành Logistics tại Việt Nam

Quy mô thị trường logistics Việt Nam vào khoảng 20-22 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân cao khoảng 25% một năm. Hiện nay cả nước có hơn 3000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Một số yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến khối ngành Logistics tại Việt Nam đó là tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và sự phát triển khoa học công nghệ.

  • Chính trị: 

Hiện nay, Nhà nước ta đang thực hiện chính sách mở cửa để khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây vừa là cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác giúp ngành Logistics có thêm tiềm lực để phát triển nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp nội địa. Theo Vietnam Report, hiện tại ở Việt Nam có trên 3.000 công ty vận tải và logistics trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên doanh thu của những doanh nghiệp liên doanh hoặc nước ngoài chiếm tới 70-80% thị phần, điều đó phản ánh khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải và logistics nội địa còn tương đối thấp. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đột phá để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành vận tải và logistics phát triển, vẫn có hơn 50% doanh nghiệp đánh giá là còn nhiều bất cập về chính sách xuất nhập khẩu, đồng thời thông quan hàng hóa còn khá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn. Văn bản hay nghị định hướng dẫn chưa rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp mới làm quen gặp nhiều lúng túng, điều đó làm chậm đi nhịp phát triển của ngành Logistics.

  • Kinh tế: 

Các yếu tố kinh tế có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến hiệu quả kinh doanh của khối ngành Logistics nói chung và các doanh nghiệp Logistics nói riêng. Việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; các trung tâm logistics kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng dẫn đến chi phí logistics còn cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 đến 15%), trong đó chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lâu dài của ngành Logistics trong tương lai.

Một nhân tố khác cũng rất quan trọng trong việc định hình sự phát triển của Logistics chính là sự biến động của giá dầu thô. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải. Xét một thực tế trong thời gian dịch Covid-19, giá xăng dầu giảm trên 50% so với đầu năm, giá xăng dầu giảm giúp hoạt động vận tải của các Doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều chi phí xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu luôn thay đổi không ổn định nên các doanh nghiệp Logistics cần có những biện pháp thích hợp để đề phòng trong mọi trường hợp.

  • Xã hội:

Dân số Việt Nam khoảng 96 triệu người, trong đó có khoảng 70% mọi người sử dụng Internet, song song với đó là sự ra đời của các sàn thương mại điện tử với đa dạng nhiều mặt hàng. Điều này kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua hình thức mua sắm trực tuyến, vì vậy mà các dịch vụ vận chuyển cũng phát triển rộng khắp các tỉnh thành. Đồng thời, Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ đang tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn nhân lực dồi dào, trong Logistics cũng vậy. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại không có đủ chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp quản lý, các chuyên viên Logistics giỏi, có hiểu biết về luật pháp quốc tế và có năng lực ứng dụng, triển khai vào các dự án trong doanh nghiệp. Bởi vậy, việc đào tạo nhân lực có chất lượng tốt là yêu cầu cấp thiết và cũng là thách thức trong ngành Logistics.

  • Công nghệ:

Với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, một vài ứng dụng khoa học công nghệ đang được áp dụng vào hoạt động logistics như: E-Logistics, Green logistics, Big Data. Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi những dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa vốn tốn nhiều công sức.

Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm kê khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, các phương tiện liên lạc qua internet cơ bản do quy mô nhỏ, thiếu nguồn vốn và nguồn nhân lực chưa chuyên sâu. Tuy nhiên, theo nhận định của gần 80% các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report thì trước xu hướng số hóa, các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, nhằm nâng cao quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp. Công nghệ có thể coi là một yếu tố then chốt giúp nâng cao sức cạnh tranh với các Doanh nghiệp ngoài nước.

Xu hướng phát triển của khối ngành Logistics tại Việt Nam

  • Big data (dữ liệu lớn)

Big data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu phức tạp mà những công cụ, ứng dụng truyền thống không thể xử lý được. Những dữ liệu này phải được thu thập, lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ theo một cách đặc biệt. Trong kinh doanh, từ những báo cáo liên quan đến các hoạt động cụ thể, big data cung cấp cái nhìn tổng quan và ý nghĩa của tất cả các dữ liệu để phát triển các mô hình và dự đoán khả năng của các kết quả có thể xảy ra trong tương lai.

Ở Việt Nam, ngành Logistics đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân cao khoảng 25%/năm. Ngày càng có nhiều hệ thống và thiết bị vận chuyển liên kết với nhau, dẫn đến việc có rất nhiều dữ liệu được tạo ra và thu thập trong một ngày. Sự tăng trưởng nhanh của dữ liệu không phải là điều xa lạ gì với khối ngành Logistics. Big data đã xâm nhập vào tất cả các khía cạnh của Logistics và trở thành nền tảng của sự đổi mới trong khối ngành này. Trong tương lai, nhu cầu về big data trong Logistics sẽ còn lớn hơn và trải qua nhiều thay đổi từ hội nhập toàn cầu.

Sử dụng big data trong vận hành logistics có thể giúp các doanh nghiệp dự đoán những thay đổi trong cung và cầu dựa trên các dữ liệu có sẵn, quản lý hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động và chủ động chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai gần. Ngoài ra, phân tích big data có thể cải thiện hiệu quả vận chuyển và phân phối, giúp doanh nghiệp logistics tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong quá trình kinh doanh. Việc tích hợp dữ liệu lớn vào các hoạt động logistics giúp các công ty nghiên cứu sâu hơn hành vi của khách hàng để thấu hiểu những nhu cầu và phân bố thời gian để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhờ vậy, các công ty có thể tối ưu hóa dịch vụ, đồng thời tăng doanh thu cũng như uy tín của mình đối với khách hàng.

  • Sự phát triển của 3PL và 5PL

3PL – Third Party Logistics hay Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hoặc Logistics theo hợp đồng là việc thuê các công ty bên ngoài để thực hiện các hoạt động logistics, có thể là toàn bộ quá trình quản lý hoặc chỉ một số hoạt động có chọn lọc. 3PL bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, kết hợp chặt chẽ việc luân chuyển, tồn trữ hàng hoá, xử lý thông tin,….vào dây chuyền cung ứng của khách hàng. Còn 5PL – Fifth Party Logistics hay Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ năm là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử, quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử.

Cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới và hoàn thiện dịch vụ. Vì thế, để có thể tạo ra lợi thế thông qua việc giải quyết các vấn đề về chi phí, thời gian và nguồn lực thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài và phạm vi dịch vụ này cũng đang dần được mở rộng. Sự phức tạp gia tăng trong hoạt động chuỗi cung ứng toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của IoT (Internet of Things) cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng 5PL. Trong đó, các nhà cung cấp giải pháp 5PL thường liên kết với các công ty Thương mại điện tử để đạt được mục tiêu tối ưu hóa chi phí.

Phát triển và phổ biến dịch vụ logistics 3PL và 5PL sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là ảnh hưởng tích cực từ quy trình vận hành rõ ràng và chi phí thấp. Việc thuê dịch vụ từ bên ngoài hay kết hợp thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tập trung vào những điểm mạnh khác của mình, kết hợp việc vận hành logistics hiệu quả và tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội. Hơn nữa, 3PL và 5PL còn giúp công ty linh hoạt hơn về việc lựa chọn địa điểm, quản lý hàng tồn kho, duy trì trạng thái cân bằng giữa cung và cầu, từ đó giúp phục vụ kịp thời, nhanh chóng và chính xác hơn nhu cầu của khách hàng. Điều này sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận lớn hơn, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường logistics. Sự phổ biến của dịch vụ Logistics thuê ngoài (3PL) và E-logistics – Logistics trên nền tảng thương mại điện tử (5PL) ​​hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường Logistics Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

  • Green logistics (Logistics xanh)

Logistics xanh là các chiến lược và cách tiếp cận quản lý các hoạt động logistics nhằm giảm tác động lên môi trường của việc phân phối hàng hóa, trong đó tập trung vào quản lý chất thải, xử lý vật liệu, đóng gói và vận chuyển. Mục đích cơ bản của việc thực hiện logistics xanh là tạo ra giá trị bền vững khi cân bằng giữa hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và việc bảo vệ môi trường. Logistics xanh yêu cầu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp. Nếu thiếu chỉ một yếu tố trong hệ thống thì logistics xanh sẽ không đạt được hiệu quả.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu. Điều này tuy mang lại một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất cho người dân nhưng lại dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới môi trường, gây nên ô nhiễm, biến đổi khí hậu. Do vậy, các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình logistics truyền thống sang logistics hiện đại hay logistics xanh, hướng tới sử dụng hợp lý nguồn năng lượng, giảm tiếng ồn, rác thải và khí thải để góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững hơn trong tương lai.

Qua việc giảm lượng khí thải, giảm tiêu thụ nguyên vật liệu thô, logistics xanh sẽ tạo ra môi trường sống lành hơn. Ngoài ra, không thể phủ nhận lợi ích to lớn của logistics xanh trong việc giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh bền vững của mình. Có thể nói, logistics xanh sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế gắn liền với môi trường và xã hội.

  • Số hóa

Số hóa là quá trình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cùng với các nguồn lực khác để thiết kế lại các quy trình logistics. Số hóa đang ảnh hưởng đến gần như tất cả các ngành công nghiệp trên toàn cầu và logistics cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực số hóa, Internet of Things (IoT) giữ một vị trí nổi bật như một giải pháp công nghệ mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực Logistics. IoT giúp các công ty giám sát hàng tồn kho, quản lý kho hàng, tối ưu hóa các tuyến tàu.

Hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam tuy đã được cải thiện đáng kể, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn cao. Cụ thể, trong cấu thành chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm tới 50%. Do đó, cần cắt giảm chi phí vận tải qua việc ứng dụng công nghệ số hóa. Mặc dù các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp, nhưng theo nhận định của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report thì trước xu hướng số hóa, các doanh nghiệp trong ngành Logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics trong thời gian tới.

Số hóa có thể giúp chuẩn hóa quy trình vận hành các hoạt động logistics, tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, giám sát và tăng cường hiệu quả quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ. Việc cải thiện tốc độ, tính chủ động và khả năng phục hồi của các hoạt động sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng của khách hàng lớn hơn và doanh thu cao hơn. Để có thể khai thác đầy đủ lợi ích của việc số hóa, các công ty phải thiết kế lại chiến lược chuỗi cung ứng chứ không phải chỉ đơn giản là ứng dụng một số công nghệ vào các quy trình nhằm cải thiện hiệu suất một số chức năng riêng lẻ. Việc sử dụng số hóa được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí logistics trong khi vẫn thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu.

Bài viết liên quan

Founder/COO at Giao Hàng Tốt Nhất

Xin chào, mình là Phúc Phạm - Founder của HayDauTu.com và Founder / COO của GiaoHangTotNhat.VN . Mình đã làm việc trong ngành Logistics từ năm 2017 và Tài chính từ 2020. Hy vọng những chia sẻ cá nhân của mình có thể cung cấp thêm nhiều góc nhìn đa chiều cho bạn ở 2 ngành hàng đang bùng nổ tại Việt Nam.

Trả lời